Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Các thuật ngữ dùng trong công việc mài, đánh bóng.

    Để hiểu và vận dụng hợp lý các công cụ và dụng cụ mài, đánh bóng thì người dùng cũng như người chỉ đạo, giám sát  cần lưu ý đến điểm khác biệt của các quá trình xử lý bề mặt bằng các phương pháp khác nhau.Để tránh sự nhầm lẫn trong quá trình này, xin đưa ra một số khái niệm và thuật ngữ:
  - "Mài - grinding" và "Đánh bóng-polishing" là một hình thức gia công có liên quan đến việc loại bỏ một lớp kim loại từ bề mặt chi tiết bằng hoạt động cắt bằng dụng cụ mài. Điều này liên quan đến việc sử dụng các hạt mài cứng kết dính với nhau hoặc kết dính với vật mang nó (giấy, vải, sợi ny lông tổng hợp…)
   Chất lượng bề mặt chi tiết được tạo ra phụ thuộc  vào nhiều yếu tố trong đó bao gồm grit size (độ lớn) của hạt mài được sử dụng.
   -Thuật ngữ "Mài - grinding" sẽ được sử dụng để mô tả việc loại bỏ các bề mặt nhấp nhô của vật liệu và lớp oxit bề mặt. 
  - Thuật ngữ "Đánh bóng-polishing" sẽ được sử dụng để mô tả hoạt động loại bỏ lớp bề mặt để hoàn thiện  bề mặt chi tiết.
   Cỡ hạt mài mịn hơn thì bề mặt được xử lý sẽ mịn hơn nghĩa là lớp nhấp nhô trung bình sẽ thấp hơn.
   Các kết quả mài hay đánh bóng cuối cùng phụ thuộc vào việc sử dụng các cấp độ hạt mài khác nhau, và  tùy vào loại thiết bị mài hay đánh bóng được sử dụng (vận tốc mài/đánh bóng, độ cứng vững...)
    -Thuật ngữ “Chải – Brushing” là quá trình xử lý và sử dụng vật liệu có độ hạt nhỏ hơn so với mài và đánh bóng, khi đó chi tiết được cấu trúc lại bề mặt chứ không bị loại bỏ `
    -Thuật ngữ “Đánh bóng – Buffing” được hiểu là quá trình làm cho bề mặt mịn, sáng bóng với sự hỗ trợ của lơ, sáp và vật liệu đánh bóng mềm như bông mà không loại bỏ vật liệu trên bề mặt chi tiết.

 Sưu tầm.

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

(Dân trí) - Lúc nhỏ mình rất thích mưa. Cứ mỗi khi trời trút nước xuống, tranh thủ lúc ba hì hụi dọn đồ vào nhà, mẹ chạy vội đi lấy quần áo đang phơi là hai chị em ùa ra sân, đứng dưới mưa cười khúc khích.
 





Ít phút sau, thể nào cũng bị mẹ lôi vào nhà, quất mỗi đứa một roi vào mông. Hai đứa nhìn ra phía ngoài sân đầy tiếc nuối. Đã thế, lại nghe tiếng hò hét sung sướng của tụi thằng Cỏ, con Ty tự do nhảy cẫng dưới mưa mà chị em mình chỉ biết nhìn nhau ứa nước mắt.

Lớn lên một chút, mình vẫn thích ngày mưa. Hễ mưa, lũ học trò lại hò hét vì được nghỉ học thể dục. Thầy Linh cười hiền, cho cả lớp ngồi trong phòng, tha hồ chơi đùa. Có khi thầy tổ chức thi hát, chơi trò chơi làm cả bọn cười ầm, cô giáo bên cạnh phải qua nhắc nhở. Thấy thầy lóng ngóng xin lỗi đến mà thương.

Lên cấp ba, mình vẫn thích thú mỗi khi trời mưa. Vì mưa, con gái được miễn mặc áo dài. Hồi ấy, vốn tự ti ở cái vóc dáng của mình, lại chán cảnh đường xa, đạp xe đến trường lúc nào cũng ướt nhẹp. Trời mới âm u, đã dụ dỗ cô bạn thân trốn mặc áo dài. Hai đứa lãng đãng, đạp xe thong dong dưới mưa, nói đủ chuyện trên trời dưới đất.

Từng ngày lớn lên, nhận ra mưa không ngọt ngào, đáng yêu như sự yêu thích trẻ con của mình. Mà người lớn, mấy ai mặn mà với mưa, như mình, dần dà, chẳng còn yêu những cơn mưa nữa.

Mưa làm con đường đất đỏ trở nên lầy lội, xe cộ đi qua ngắc ngứ. Mẹ và mấy mệ, mấy dì xách giỏ đi chợ, quần xắn đến đầu gối vẫn ướt. Có khi, đôi dép bị mắc kẹt nơi đám đất lầy lội kia, thể nào cũng có người ngã oành oạch.

Có mùa mưa, cả bọn đi học bồi dưỡng ở Triệu Đông. Cô bạn người nhỏ thó, đạp chiếc xe cũ kỹ, qua đoạn đường đất đỏ do trơn nên ngã nhào, lấm lem hết sách vở, quần áo. Bạn khóc òa rồi bảo hôm nay chắc nghỉ học, ở nhà hết áo quần thay rồi, mỗi hai bộ mà mấy hôm nay trời mưa, phơi chưa khô.

Mùa mưa đọng lại trên nỗi lo âu của mẹ. Thức ăn cả nhà phải dè sẻ, dể dành những ngày không đi chợ được. Mẹ bắt đầu chế biến những món ăn ngày mưa như ruốc sả, đậu phộng kho nước mắm, cá cơm khế chua…Toàn là món ăn xong vẫn thòm thèm, đứa nào cũng no căng bụng, dù chốc sau uống nước đứ đừ.

Lại nhớ hồi nhỏ, mỗi khi mình chuẩn bị đi ngủ, thấy mẹ hì hụi đốt lửa, đem bộ áo quần mình hong trên bếp cho kịp khô, mai mang đi học. Những bộ áo quần thơm mùi khói, thơm cả yêu thương dịu dàng của mẹ.

Mùa mưa đong đầy nỗi lo lên trán dì, cánh đồng mênh mông ngập nước, chắc năm nay mất mùa, long đong thêm nữa. Nghe chú vô tư khề khà “mưa ni, nhậu là nhất”, liền sai con đi mua rượu, rồi gọi thêm mấy ông sâu rượu trong xóm. Nhìn qua, thấy thím với dì đứng chôn chân đờ đẫn, trời mưa đã không đi làm được, chẳng biết lấy chi mà ăn, lại còn sinh tật.

Mưa về, nhớ cái hồi nhà mái tôn, mưa đổ ầm xuống, ba mẹ thao thức lo nhà dột chẳng ngủ được, trong khi mấy chị em nằm say giấc, mưa lại thấy ngủ ngon. Cũng những mùa mưa thời sinh viên, phòng trọ mái tôn thủng lỗ chỗ. Đêm nằm, hai chị em cứ kê cái sạp chạy loanh quanh khắp phòng, sau cùng phải lấy áo mưa che kín màn. Nằm ngủ, nghe mưa rơi lộp bộp từng giọt mà cười ra nước mắt.

Mấy hôm nay trời lại mưa. Ở quê, mưa buồn da diết, tiếng ếch bì bõ sau hồ nghe như một bản nhạc thê lương tiễn đưa một người vừa nằm xuống.

Bạn ở Sài Gòn cũng than, mưa ở đây bồn chồn lắm. Bạn ở Đà Nẵng cũng kêu mưa sao thấy u hoài. Tại bây giờ, chúng ta đều lớn, nhìn mưa dễ hoài niệm. Bao chuyện quá khứ ngày qua cứ chầm chậm quay về như những giọt mưa rỉ rả rơi xuống, thấm từng tí vào con tim chật chội. Đôi lần ngồi ở cửa sổ phòng làm việc ngắm mưa hẳn lại nhớ cái hồi mình chui vào áo mưa người xưa, hai đứa rủ rỉ bao chuyện tâm tình. Chốc sao, nỗi nhớ loanh quanh, thể nào mà chẳng nhớ nhà, nhớ ba mẹ.

Chợt thương cái cô bé hồi còn ở thành phố, mưa xuống ngập hết đường, tan giờ làm chỉ muốn đứng chôn chân, chẳng thể nào về phòng trọ. Nước ứ đọng khắp những con đường lớn. Chạy xe qua, thể nào cũng bị xe đằng sau bắn nước vào tung tóe, có khi xe còn tắt máy giữa chừng. Cứ cô đơn dắt chiếc xe đi lầm lũi.

Đêm qua lại mưa, mình trở dậy vì cành tre cọ sát ô cửa sổ, nghe như tiếng than rì rào. Lại thèm những ngày chẳng biết âu lo, chỉ học hành vui chơi cùng bè bạn, mưa đến hay đi chẳng bận tậm u hoài. Mới hay, lớn lên rồi, mưa cũng thành thương nhớ.

Diệu Ái

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Những viên đá nhỏ: TÚI GẠO CỦA MẸ

Những viên đá nhỏ: TÚI GẠO CỦA MẸ: Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ.  Cậu con trai bắt đầu ...

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013


Cát bụi phận nào…


Ta là hạt bụi. Nhận chân điều này là một nhận chân sự thật về sự sanh-trụ-dị-diệt, theo tinh thần của lời Phật dạy. Đó cũng là nhận diện về sự vô ngã mà con đường của đạo Phật đi tới nhằm giúp cho hành giả buông chứ không phải buộc (dính mắc vào cái tôi và cái của tôi.


Hạt bụi nào hóa kiếp thân ta? - Ảnh minh họa 
Theo đó, hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi (*) ngỡ như một câu hỏi nhưng thật là một câu khẳng định về sự vô thủy vô chung, nương nhau biểu hiện của sự sự vật vật trong cõi Ta-bà này. Vì sao không đầu, không cuối? Bởi tất cả đều do duyên sanh-diệt, cái này nối tiếp cái kia, cái này có thì cái kia có. 
Tính chất nương nhau biểu hiện (tính tương tức) của sự sự vật vậy vì thế không thể chặt khúc ra để phân tích và cũng không thể nhận biết ta đến từ nơi nào cụ thể cả. Từ duyên sinh diệt, hiểu đúng thì như vậy để không chấp trước, để thấy rằng mình đã vần xoay, luân hồi sanh tử, xuống lên sáu đường từ vô lượng kiếp rồi.

Hạt bụi đó có ta, ta cũng có hạt bụi, cách hiểu về tương tức, sinh khởi, trong nhau. Một trong tất cả, tất cả trong một chính là như thế. Nếu không có hạt bụi thì cũng không thể có vũ trụ và không có ta. Bởi có hạt bụi nên mới có vũ trụ, và có vũ trụ nên mới có ta, đồng thời ngược lại.
Nên, Trịnh hỏi, mà cũng là nhận diện, để rồi đi đến những nhận diện gần gũi khác về sự dị-diệt như:

“Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi”
Rồi đến: “Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”.

Ta vẫn thường nghe dân gian tán với nhau rằng, đến từ cát bụi, trở về với cát bụi, nghe cứ hay hay, thi vị, nhưng để hiểu sâu ta phải học Phật. Đức Phật dạy, bốn yếu tố đất-nước-gió-lửa (gọi là tứ đại) do nhân duyên mà hợp thành, sanh ra ta và người. Trong quá trình đó, nhờ sự có mặt của vô thường mà ta sanh rồi lớn lên, già đi, hoại diệt. Quy luật ấy muôn đời, và do vậy cái quan trọng không phải là sống bao lâu mà là sống như thế nào. Sống như thế nào ở đây được hiểu ở hai phương diện, thứ nhất là ta đón nhận sự thật ấy như thế nào; và thứ hai là ta sẽ gieo tạo nhơn như thế nào để hành trình tiếp nối không phải “Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui”.

Đón nhận sự thật bằng cách chấp nhận và hoan hỷ sẽ cho ta bớt thọ cảm đau thương, giằng xé, thôi những sợ hãi thường tình, thế gian tính. Đón nhận đó cũng là một cách đối đãi với quá khứ kia, rằng, tất cả biểu hiện nơi đây, ngay bây giờ chính là kết quả của một nhân nào đó ta đã gieo tạo từ những “hạt bụi” của vô thỉ kiếp trước, tác hợp-trùng phùng với duyên của hiện đời mà thành chứ đâu? 

Và sống như thế nào ở hiện tại cũng chính là một cách sống cho tương lai, nghĩa là ta đang bắt đầu cắm những hạt giống vào tâm cho một mai nào đó trổ quả. Hạt lành hay hạt xấu tùy thuộc vào ta, trên nền của hiểu biết thương yêu nơi ta. Nếu ta hiểu nhân quả sâu sắc thì tự khắc biết “sợ cái nhân” mà “đoạn ác, làm lành” thôi. Và, khi đó, ta thấy thêm sự tương tức ở chỗ này, đó là, ta đón nhận quả trong tinh thần hiểu và thương là liền lúc đó ta đã cấy một hạt giống lành mang tên “hiểu và thương” cho tương lai rồi, không có tách rời!

Cái khoảng 100 năm định lượng một đời người là một sự ước lệ của thế gian, còn với nhãn quan Phật giáo thì mạng người vốn trong hơi thở. Do đó ta trải qua một kiếp làm người chính là tập hợp của vô vàn tiểu kiếp mà theo Đức Phật dạy trong kinh chính là “hằng hà sa số kiếp như số cát sông Hằng” chính là vậy! Giữa những hơi thở có niệm và vô niệm liên tiếp mà chỉ những ai tỉnh thức mới nhận ra, ai định rồi thì sẽ thấy điều này. Thấy điều đó cũng là cái tuệ mang tính “xuất thế gian”. Do vậy, Trịnh nhận diện “Cho trăm năm về chết một ngày” cũng là một sự nhận diện về sự sanh diệt theo tinh thần hằng hà sa số kiếp trong một kiếp như đã nói đó.

Và, trong những thương đau của kiếp làm người đó, thiện-ác trùng trùng, sanh khởi bởi nhơn duyên quá khứ cùng tác tạo hiện tiền. Có những lúc “bắt phong trần phải phong trần”, nghiệp vậy thì có muốn khác cũng không được, nhưng lắm lúc cũng có “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Tức là, khi ta tích lũy đủ lượng để xô ngã thành lũy nghiệp chướng - hiểu theo nghĩa chiến đấu, hoặc sám hối để “tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm” - hiểu từ góc nhìn tu tập gìn giữ giới đức, hành trì thiền định để vỡ ra thành cái thấy “không” trong vô ngã thì sẽ giải thoát. 

Nghiệp có còn sót lại hay biểu hiện thì cũng chẳng hề hấn gì, bởi thân thọ nghiệp nhưng tâm không thọ nên “đổ nghiệp” ở đây giống như là thay một chiếc áo cũ, mục để khoác áo mới vậy thôi.
Do vậy, trong cái thấy gần gũi của Trịnh rất giống với nhãn quan Phật giáo nhưng cũng nơi đó ta thấy còn chút gì đó băn khoăn, xót xót như: “Xin úp mặt bùi ngùi”. Hẳn là con người tài hoa ấy vẫn còn thiếu một chút duyên hay vẫn còn một chút đời nên cứ phải như thế? Song, dẫu có thế nào thì “Cát bụi” với những nhận chân sự thật, tinh tế đó đã là một sự minh triết không phải ai cũng thấy. Và thấy rồi chắc gì đã nhớ để mà không đau?

Lưu Đình Long (ĐPNN)
(*) Trích từ bài Cát bụi của Trịnh Công Sơn, sáng tác 1987





Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013


Lá thư tình của cha




Con của cha... 



Con có thể không biết cha, nhưng cha biết rất rõ mọi thứvề con.
 Cha biết khi con ngồi xuống và khi con đứng lên.
Cha quen thuộc với mọi lối đi của con.
Thậm chí bao nhiêu sợi tóc trên đầu con cha cũng đếm được.
Bởi vì con được hình thành trong trí óc của cha.
Cha quyết định đúng thời gian con sinh ra và con sẽ sống ở đâu.
Cha không hề xa cách và giận dữ, nhưng cha là một biểu hiện hoàn chỉnh nhất của tình yêu.
Và đó chính là mong ước của cha để trao tặng tình yêu cho con.
Đơn giản là vì con là con của cha và cha là cha con.

Mỗi món quà tốt lành con nhận được đều từ bàn tay cha.
Vì cha biết con cần những gì.
Mọi sắp xếp của cha cho tương lai con luôn luôn đầy ắp sự mong chờ.
Vì cha yêu con với một tình yêu vĩnh cửu.
Suy nghĩ của cha về con không thể đếm được như là hạt cát trên bờ biển vậy.
Cha sẽ không bao giờ ngừng làm điều tốt cho con.
Vì con là kho báu của cha
Nếu con tìm kiếm cha với tất cả trái tim, con sẽ tìm thấy cha
Cha có thể làm cho con nhiều hơn con nghĩ
Vì cha là nguồn động viên lớn nhất của con
Khi trái tim con tan vỡ, cha sẽ ở bên con
Như là một người chăn cừu ôm cừu con vậy, cha sẽ ôm con vào gần trái tim mình
Và cha sẽ mang đi tất cả đớn đau con sẽ phải chịu đựng trên trái đất này
Cha luôn là cha, và sẽ mãi là như thế.
Cha luôn đợi con. Yêu con.
Cha của con. 
Dịch: Thanh Giang
Đóng góp bởi Mr. Jerry

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

nguoiduakinh: TIẾNG ĐÓNG CỬA

nguoiduakinh: TIẾNG ĐÓNG CỬA: Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp...